Nếu có thể cấy một con chip vào não để tăng cường trí thông minh, bạn sẽ chấp nhận để các bác sĩ thực hiện điều đó chứ? Một công ty có trụ sở ở Los Angeles (Mỹ) hiện đã đầu tư số tiền lên đến 100 triệu USD cho việc phát triển một thiết bị như vậy, với sự cố vấn của không ít các tên tuổi hàng đầu trong ngành khoa học.
Kernel - công ty được thành lập hồi đầu năm nay bởi doanh nhân Bryan Johnson chính là đơn vị đang theo đuổi dự án nghe có vẻ ‘điên rồ’ này. Johnson cho biết ông đã dành nhiều năm trong đời để tự hỏi bản thân mình nên làm điều gì để đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. “Tôi đã nghĩ đến trí thông minh. Đó là tài nguyên quý giá và mạnh mẽ nhất cho sự tồn tại”, ông chia sẻ.
Mục tiêu của Johnson là giúp cho trí thông minh của con người có thể ngày càng trở nên phát triển hơn, tương tự như những gì mà trí thông minh nhân tạo đã đạt được trong những năm gần đây. Theo kế hoạch, những thử nghiệm đầu tiên sẽ được thực hiện là về trí nhớ. Doanh nhân này hiện đang làm việc với giáo sư kỹ thuật y sinh Theodore Berger đến từ Đại học Nam California (Mỹ), người đang nghiên cứu vùng hippocampus (hồi hải mã), chìa khóa nắm giữ các dữ liệu có liên quan đến việc lưu trữ thông tin của não bộ.
Berger cũng đang thực hiện các ngiên cứu ở những người bị động kinh đã được cấy ghép thiết bị điện tử vào não, nhằm đối phó lại với những cơn động kinh của họ. Thay vì sử dụng các mô cấy để kích thích não, Berger và các cộng sự của ông đã sử dụng chúng để ghi lại hoạt động não, từ đó cung cấp thêm nhiều kiến thức về cách thức làm việc của bộ nhớ.
Bộ phận lưu trữ ký ức nhân tạo
Nếu có thể hiểu được một bộ não khỏe mạnh hoạt động như thế nào, chúng ta cuối cùng có thể học cách để bắt chước nó, Johnson nói. Bằng cách kích thích hoạt động của một số bản mẫu bằng điện, nhóm nghiên cứu nghĩ rằng họ có thể sẽ phục hồi trí nhớ ở những người bị rối loạn trí nhớ.
Nhóm của giáo sư Berger hiện đã gặt hái được một số thành công ở các thí nghiệm trên động vật, và đã bắt đầu thực hiện các thí nghiệm ở người. Kernel sẽ bắt đầu triển khai các nghiên cứu với sự tham gia của con người trong vài tháng tới, Johnson cho biết.
"Ý tưởng ở đây là nếu bạn bị mất chức năng ghi nhớ, bạn sau đó có thể tạo ra một bộ phận giả dành cho vùng hippocampus, từ đó có thể giúp khôi phục lại các mạng lưới và phục hồi trí nhớ”, theo ông Johnson. Những người bị rối loạn trí nhớ do chấn thương hoặc lão hóa, sẽ là đối tượng đầu tiên có cơ hội cấy ghép một bộ phận như vậy vào não.
“Những siêu nhân đầu tiên ra đời sẽ bắt đầu từ những người như vậy”, Johnson khẳng định. Sau khi kế hoạch khắc phục khiếm khuyết ở những người bị tổn thương não được thực hiện thành công, các nhà khoa học sẽ bắt đầu nghĩ đến việc dùng thiết bị của họ để tăng cường trí nhớ cũng như các chức năng tiềm năng khác, ở những người khỏe mạnh.
Đối với Johnson, việc một người bước ra đường với bộ não được tăng cường sức mạnh nhờ một thiết bị cấy ghép sẽ là điều hết sức bình thường trong tương lai, giúp họ gia tăng khả năng nhận thức của mình trong các quyết định kinh doanh hàng ngày.
Tiếp theo sẽ là gì?
100 triệu USD tiền túi của Johnson sẽ được chi ra cho công tác nghiên cứu và phát triển một thiết bị viễn tưởng như trên. Đó sẽ là một sản phẩm với kích thước nhỏ bé, dễ cấy ghép và có thể ghi lại hoạt động não hoặc kích thích các tế bào thần kinh. Nhóm nghiên cứu cũng đang nỗ lực để phát triển các thuật toán dành riêng cho mỗi cá nhân - một tập hợp các quy tắc có thể thực hiện các chức năng não bình thường đối với từng cá nhân.
Johnson hy vọng tăng cường trí nhớ chỉ mới là phần khởi đầu của câu chuyện. "Nếu có thể bắt chước các chức năng tự nhiên của não bộ, chúng ta thực sự có thể lập trình lại hệ thần kinh, sau đó tôi có thể tự tin đặt câu hỏi - Có thứ gì mà chúng ta không làm được?", Johnson nói. "Chúng ta có thể học được mọi thứ nhanh hơn gấp 1000 lần? Chúng ta có thể chọn những kỷ niệm để lưu giữ và loại bỏ những ký ức đau buồn? Chúng ta có thể kết nối với máy tính?”.
Như đã nói từ đầu bài, ông Johnson đang nhận được sự hỗ trợ của một số tên tuổi lớn trong khoa học, trong đó bao gồm phó giáo sư kỹ thuật y sinh Ed Boyden tại Viện Công nghệ Massachusetts ( MIT), và nhà sinh học Craig Venter, người được biết đến tham vọng tạo ra một cuộc sống nhân tạo. Họ cũng tin rằng chúng ta đang ở một thời khắc đặc biệt trong lịch sử phát triển của khoa học thần kinh", Johnson nói. "Tôi nghĩ rằng trí thông minh của con người sẽ là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, nếu không muốn nói là ngành công nghiệp lớn nhất từng xuất hiện”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra đồng tình với ý tưởng của dự án. Giáo sư Neil Burgess tại Đại học College London (Anh), cho rằng ngay khi các nhà khoa học thuộc nhóm của Johnson có thể ghi lại các hoạt động của tế bào thần kinh trong quá trình xử lý của bộ nhớ thông thường, việc tìm ra yếu tố có thể tăng cường hoặc làm chậm tiến trình này vẫn là điều hết sức khó khăn.
Một cách tiếp cận khác được biết đến với cái tên optogenetic (quang di truyền, thứ có thể kiểm soát ký ức của bạn, tương tự như những gì chúng ta thấy trong bộ phim Men in Black) được ông Burgess cho là sẽ khả thi hơn. Các nghiên cứu trên chuột từng cho thấy kỹ thuật này có thể được sử dụng để gán và kích hoạt các tế bào thần kinh liên kết với một ký ức cụ thể.
EmoticonEmoticon