Thursday, January 12, 2017

HTC U Ultra và định hướng chỉ làm máy cao cấp liệu có cứu được HTC?

HTC có chia sẻ là sắp tới họ sẽ dồn hết nguồn lực vào làm điện thoại cao cấp, trong đó U Ultra là chiếc đầu tiên, còn U Play tuy có cấu hình tầm trung nhưng vẫn được định vị ở phân khúc cận cao. Phân khúc bình dân và tầm trung giờ đã quá đông đúc với sự tham gia của các thương hiệu Trung Quốc, họ lại cạnh tranh giá quá khốc liệt trong khi giá lại chưa bao giờ là thế mạnh của HTC cả. Vậy nên hãng mới đưa ra quyết định nói trên và hi vọng sẽ sớm hồi phục khỏi tình hình ảm đạm hiện tại. Nhưng liệu U Ultra và U Play có thể làm được điều mà HTC mong muốn hay không?

Tình hình ảm đạm của HTC

Hiện HTC đang không có lãi, việc kinh doanh điện thoại của công ty liên tục đi xuống trong thời gian gần đây. Quý 3 năm 2016, công ty lỗ 63 triệu USD, vẫn khá ảm đảm mặc dù con số này đã ít hơn trước và HTC tự nhìn nhận mình đã có một quý kinh doanh "tốt".

Về sức cạnh tranh, HTC đang gần như bị đè bẹp bởi Samsung trên nhiều phương diện: nhìn nhận của khách hàng về sản phẩm, quảng cáo, và cả sản phẩm nữa. HTC 10 tuy tốt nhưng không thể đi vào tâm trí của khách hàng theo cách mà Galaxy S7 đang làm được. HTC cũng không thể cạnh tranh với Apple trong mảng điện thoại thông minh.

tinhte_HTC_U_Play_U_Ultra_21.jpg

Đó chỉ là thị trường cao cấp, còn ở thị trường trung và cao cấp HTC cũng đang chới với vì sự nhập cuộc của rất nhiều hãng điện thoại Trung Quốc. Đặc trưng của các hãng này đó là họ làm máy rất rẻ trong khi vẫn có được thiết kế, kiểu dáng và tính năng tương đương với nhiều máy đắt tiền hơn. HTC thì chưa bao giờ mạnh về giá, thậm chí các máy của công ty có phần đắt hơn so với những thiết bị cùng tầm nên khả năng cạnh tranh kém đi rất nhiều. Các công ty như Huawei, Oppo, ZTE lại mạnh tay chi tiền quảng bá cho sản phẩm của mình dưới nhiều hình thức trong khi HTC lại không làm điều đó. Ngay cả khi công ty muốn làm thì hầu bao hạn hẹp của HTC cũng không thể thông qua nếu chưa biết được hiệu quả mà nó mang lại.

Chiến lược của HTC cũng đang không tập trung. Công ty bán những chiếc điện thoại từ 2 triệu đến 16 triệu đồng, vậy nên phải phân tán nguồn lực về nhân sự, tiền bạc, thời gian cho tất cả những món đồ này và không thể tập trung bán tốt chiếc flagship của họ. Samsung làm được điều này vì họ có nhiều tiền, nhiều người, có thể bung ra lo cả máy giá rẻ lẫn máy cao cấp như nhau hay thậm chí là dồn cho máy cao cấp nhiều nguồn lực hơn nữa. Kết quả dẫn tới đó là sức cạnh tranh của HTC bị giảm như đã phân tích ở trên.

Từ những lý do này, HTC quyết định sẽ chuyển chiến lược của mình thành một hướng mới hoàn toàn: chỉ làm máy cao cấp. Điều đó đã được thể hiện rõ trên sân khấu khi họ ra mắt chiếc U Ultra, đại diện HTC ở Việt Nam cũng chia sẻ thông tin tương tự.

Vì sao HTC có thể tự tin đi theo chiến lược này?

Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, thứ mà HTC còn giữ lại được đó là danh tiếng kèm theo định vị thương hiệu nằm ở mức cao. Khi nhắc tới HTC, những người (còn) biết hãng này là gì sẽ hình dung tới những sản phẩm đắt tiền và cao cấp, thứ mà không phải công ty nào cũng làm được. Bởi vậy mới nói HTC vẽ ra hình ảnh của họ trong tâm trí khách hàng khá tốt. Đây là lợi thế lớn nhất của HTC khi họ thực thi chiến lược mới, nó "vô tình" phù hợp với định hướng này và có thể giúp công ty trong những bước đầu gượng dậy.

tinhte_HTC_U_Play_U_Ultra_4.jpg

Việc chỉ tập trung làm và bán máy cao cấp cũng giúp HTC né được cuộc chiến về giá vốn rất tốn kém và không có hồi kết đang diễn ra trong thị trường smartphone giá rẻ hay trung cấp. Ở phâm khúc cao của thị trường smartphone, HTC có thể thoải mái định giá cho U Ultra và những máy sau này với rất ít rào cản vì nhóm người dùng mua mặt hàng này ít so đo về giá hơn. Khi đó, HTC có thể tập trung hết sức mình để tạo ra một sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và định giá tương xứng với những gì họ đã bỏ ra.

Vụ giá nghe có vẻ bình thường nhưng với một công ty như HTC thì nó rất quan trọng vì giá bán chính là yếu tố quyết định thu nhập của công ty. HTC đang muốn đi lên, không cách gì công ty lại có thể bán với giá quá thấp nếu không muốn lỗ "sặc máu" vì hiện tại không còn những thiết bị tầm trung bù lỗ vào. Nếu bán quá cao thì lại mất khách sang các hãng khác như Samsung hay Sony và nguy hiểm nhất là iPhone. Hy vọng HTC sẽ làm được những sản phẩm với giá có lợi cho cả hãng mà vẫn làm người dùng vui vẻ chi tiền ra.

tinhte_HTC_U_Play_U_Ultra_5.jpg

HTC cũng có chia sẻ về việc họ gia công cho Google để làm ra Pixel. Pixel, HTC 10 hay gần đây là HTC U Ultra cho thấy HTC hoàn toàn có thể làm ra những cái điện thoại xuất sắc, giờ chỉ còn cách công ty thực thi, biến ý tưởng thành hiện thực và cách công ty đưa thiết bị đến tay người dùng như thế nào mà thôi. Nhưng dù sao thì Pixel vẫn là đồ làm giúp, công ty vẫn phải có một thứ của riêng mình nếu còn muốn xây dựng cái tên HTC.

Nói riêng về chiếc U Ultra, thành thật thì mình không ấn tượng với nó nhiều như cách mà HTC 10 làm mình ngạc nhiên. U Ultra chỉ giống như một bản nâng cấp cao hơn của HTC 10, màn hình to ra, và bổ sung thêm một loạt chức năng thông minh mà chưa hỗ trợ tiếng Việt chứ chưa có nét đột phá lớn và cũng chưa giải quyết được vấn đề nào mà mình thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng đánh giá thì sẽ để sau vì mình chỉ mới được cầm máy một thời gian ngắn, đợi có máy chính thức ở Việt Nam mình sẽ chia sẻ kĩ hơn với anh em ở góc nhìn của một fan HTC.

3 mũi nhọn mới của HTC: thiết kế, thông minh, và cá nhân hóa

Trong suốt buổi giới thiệu HTC U Ultra, đây là ba yếu tố mà HTC cứ nhắc đi nhắc lại mãi, và theo mình thì 3 triết lý này rất phù hợp và đúng đắn.

Đầu tiên là về thiết kế, hiện nay smartphone không chỉ là một cái điện thoại đơn thuần mà nó đã trở thành một món trang sức, một món đồ thể hiện cá tính bản thân nên ngoại hình sản phẩm đóng vai trò cực kì quan trọng. Nếu máy bạn không đẹp, máy bạn không độc thì việc bán hàng sẽ cực kì khó trừ khi bạn nhái y chang một thiết bị rồi bán với giá bằng phân nửa. Từ trước đến giờ HTC đã làm máy ổn, thiết kế có nét rất riêng không hề nhầm lẫn với các hãng các, giờ HTC chỉ cần phát huy nó lên là ổn. Pixel, HTC 10 là hai minh chứng rõ ràng nhất cho việc HTC có thể làm thiết kế công nghệ rất ngon, quan trọng là công ty có chịu làm hay không.

tinhte_HTC_U_Play_U_Ultra_9.jpg

Thông minh ở đây chủ yếu xoay quanh phần mềm, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI). U Ultra sử dụng AI để nhận diện giọng nói, để tự gợi ý những thông tin mà máy cho là quan trọng với bạn. Lợi ích của việc này chưa rõ ràng, mình khá là lo lắng với nó nhất là khi AI thường bị giới hạn tính năng ở Việt Nam do các hạn chế về dữ liệu đầu vào. Hãy chờ xem HTC thực thi nó như thế nào ở những nước như chúng ta, chứ không phải ở Mỹ, Châu Âu hay các quốc gia đã có dữ liệu và hạ tầng tốt.

Cá nhân hóa thể hiện ngay chính tên sản phẩm: U. U là một cách viết khác của You, ý của HTC đó là dòng smartphone này có thể thay đổi tùy theo sở thích, thói quen, thậm chí là đặc điểm cơ thể của bạn (công nghệ U Sonic dùng sóng siêu âm để phát hiện cấu trúc tai và chỉnh âm thanh lại cho hay). Để U Ultra trở nên "You", bạn sẽ cần một thời gian để máy làm quen với chính bạn, hay nói cách khác là ấn tượng ban đầu có thể không tốt như bạn kỳ vọng. Mình cũng lo lắng vì chuyện này vì ấn tượng ban đầu rất quan trọng, nó là thứ quyết định bạn có ở lại với một cái smartphone hay không. Như iPhone 7 Plus mở máy ra là mình sẽ chụp hình bằng camera ngay, Note 7 cầm là thử viền và bút ngay, LG G5 cầm vào là thử module tháo ráp ngay. Còn U Ultra, bạn có gì để tạo ấn tượng cho khách hàng?

tinhte_HTC_U_Play_U_Ultra_14.jpg

Tóm lại là trong số 3 mũi nhọn mới của HTC, mình chỉ tự tin hãng làm tốt khâu thiết kế, hai thứ kia sẽ phải đợi thời gian trả lời. Với vai trò là một người thích sản phẩm HTC, mình vẫn luôn mong công ty sẽ hồi phục lại hoàng kim với những sản phẩm thật tốt, thật thực tế, và đương nhiên là kiếm được tiền từ đó. U Ultra là một bước đi quan trọng, và nó sẽ cho chúng ta thấy liệu chiến lược mới của HTC có tốt hay không.

Một vài tấm ảnh của HTC U Ultra và U Play, mời anh em xem qua nhé.


EmoticonEmoticon