Thanh thông báo là một nơi rất lộn xộn trên Android và bạn buộc phải thường xuyên ấn nút xóa hết mọi notification để khu vực này trở nên gọn gàng hơn và dễ nhìn thấy thông báo mới hơn. Có nhiều cách để Google khắc phục những hạn chế còn tồn tại với vùng notification của Android, bên dưới là 5 trong các cách mà mình thấy là hợp lý nhất. Anh em có đang khó chịu với notification trên Android? Anh em nghĩ Google có thể làm gì để trải nghiệm của chúng ta tốt hơn và trong thời gian chờ thì có cách nào cài thêm app để giải quyết không? Mời anh em chia sẻ.
Dọn dọn thanh status bar
Những icon thông báo nhỏ nhỏ là thứ làm cho Android trở nên khác so với những hệ điều hành khác, và nó rất hữu dụng vì giúp chúng ta ngay lập tức biết được những thông báo nào chưa xem. Nhưng khi thông báo xuất hiện càng nhiều thì icon cũng càng nhiều lên khiến thanh status bar tràn ngày icon nhìn như một đống hỗn tạp không đâu vào đâu. Khi đó nếu bạn chỉ lướt mắt sơ qua thì khó mà biết được thông báo nào chưa xem, bạn buộc phải kéo notification xuống để thấy chi tiết nên tác dụng ban đầu của các icon đã không còn. Chưa kể nó làm cho máy trở nên xấu hơn, rối rắm hơn. Hiện tại Android 6.0 trở lên đã cho phép tinh chỉnh lại status bar bằng cách bỏ bớt các icon mà bạn cảm thấy không quan trọng, nhưng tính năng này lại chưa áp dụng cho các icon thông báo.
Chưa có dấu hiện nào cho thấy Google sẽ loại bỏ hoàn toàn notification icon như cách mà iOS và Windows Mobile đang làm, nhưng ít nhất họ có thể cho phép chúng ta chọn chỉ những app nào quan trọng mới được hiện thông báo lên status bar mà thôi. Android đã làm được điều này với màn hình khóa rồi thì không lý do gì lại không xài được cho status bar. Ngay cả Xiaomi cũng đã tùy biến được một chút vụ này thì không lẽ Google lại bó tay?
Ngoài ra Google cũng cần loại bỏ triệt để việc thông báo của cùng 1 app lại xuất hiện nhiều icon. Ví dụ, nếu bạn có thư mới từ hai tài khoản Gmail khác nhau, bạn sẽ có hai icon giống nhau cùng có mặt trên status bar. Đây là thứ rất vô lý và không cần thiết, ví nếu bạn muốn coi chi tiết thì đằng nào bạn chẳng phải kéo thanh thông báo xuống.
Tất cả những tính năng mà mình đề xuất đều có thể đưa vào tùy chọn Notification trong phần Settings, vậy là xong.
Cho phép thông báo tự biến mất
Một số thông báo chỉ có ý nghĩa trong một khoản thời gian nhất định, ví dụ như thông báo có ai đó mới like status của bạn trên Facebook, thông báo thời tiết sẽ là bao nhiêu độ vào ngày mai, hay thông báo rằng có người bạn nào đó đang ở gần bạn. Với các notification dạng này, Google nên cho phép chúng tự biến mất sau một khoảng thời gian nhất định, có thể là 1 hoặc 2 tiếng tùy theo thiết lập của lập trình viên và người dùng. Như vậy bạn có thể đảm bảo rằng chỉ những thông báo thật sự quan trọng mới còn xuất hiện hoài trong khu vực status bar, vừa tránh làm phân tâm vừa đảm bảo status bar gọn đẹp.
Google cũng có thể bổ sung một chức năng tự xóa đi thông báo quá cũ, ví dụ như xóa thông báo đã cũ hơn 2 ngày chẳng hạn. Hiện giờ bạn chỉ có thể xóa hết mọi notification nên nếu có thông báo quan trọng thì cũng sẽ mất theo luôn.
Tập trung vào việc tổ chức thông báo
Khi bạn mở một app, thông báo của app đó chưa chắc đã mất hẳn, trong khi đáng ra nó phải mất đi vì bạn đã vào ứng dụng và hoàn toàn có thể xem thông báo trong đó rồi. Ngoài ra, thông báo cũng khá lộn xộn và không theo thứ tự nhật định nào trừ những app được bạn chọn là quan trọng thì sẽ luôn nằm trên top. Android Nougat có nỗ lực khắc phục phần nào sự lộn xộn của notification bằng cách nhóm các notification lại theo từng app nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ, nhất là khi số lượng điện thoại chạy Android 7.0 không nhiều.
Có một thứ mà Google có thể học hỏi từ iOS: hiện số noti chưa đọc lên app icon. Hiện tại chúng ta đang phải dựa vào các launcher bên thứ ba để xài tính năng này, nếu nó được tích hợp sẵn vào Android và áp dụng được cho mọi launcher thì sẽ hay hơn rất nhiều. Các badge hiện noti này lợi hại ở chỗ ngay cả khi bạn đã xóa thông báo trong notification center đi thì vẫn biết được mình đang bỏ lỡ những thông tin quan trọng nào chứ không bị mất hẳn đi. Nếu bạn lỡ tay xóa một thông báo Facebook, bạn vẫn biết được app Facebook có noti chưa đọc nhờ cái chấm đỏ đỏ nhỏ nhỏ. Đó là chưa kể badge khuyến khích người dùng chạy app lên, điều mà các lập trình viên sẽ rất thích.
Sync thông báo giữa các thiết bị
Hiện tại thông báo push xuống mỗi điện thoại Android đều độc lập nhau. Thông báo đã xem trên điện thoại Android không biết mất khi bạn chuyển sang xài chiếc tablet Android của mình, trong khi cả hai đều sử dụng chung một bộ nguồn đẩy thông báo là Google Cloud Messaging (giờ là Firebase Messaging). Đáng ra khi bạn đã xem thông báo trên máy này thì máy khác phải mất đi vì notification đó không còn ý nghĩa với bạn nữa. Đây là điều mà Google cần suy nghĩ và cải thiện trong bản Android kế tiếp. Tốt hơn, nếu có một tùy chọn cho phép bật tắt tính năng sync thông báo này sẽ ngon hơn nhiều.
Đưa các nút điều khiển xuống cạnh dưới màn hình
Quick Settings hiện tại đang nằm trên cùng của điện thoại, các thông báo của app nghe nhạc, xem video cũng nằm tận bên trên khiến việc thao tác khó khăn hơn, nhất là với những người đang xài điện thoại 1 tay mà lại xài những cái máy lớn thì phải với ngón tay bất tiện. Thay vào đó, Google có thể mang những tính năng này xuống cạnh dưới màn hình. Có thể hình dung là nó sẽ hơi giống như Control Center trên iOS hay bảng quick settings của những cái điện thoại Android Trung Quốc. Có thể bạn sẽ chê là Android bắt chước iOS khi làm như vậy nhưng nếu làm theo để người dùng được lợi thì chẳng sao cả.
Còn một chỗ nữa Google có thể tận dụng để đưa thông báo vào, đó là Google Now. Hiện Google Now có thể được kích hoạt rất nhanh bằng cách nhấn giữ nút home. Trong giao diện Now, ngoài các card thông tin, Google có thể tìm cách đưa quick settings và các notification với tính năng điều khiển vào thì sẽ tốt hơn và tận dụng được không gian ngon hơn. Tất nhiên khi đó hãng sẽ phải dung hòa với việc hiển thị nội dung của Google Now nữa.
EmoticonEmoticon