Hôm trước có chia sẻ với anh em một số vấn đề liên quan tới router Wi-Fi, hôm nay mình sẽ tiếp phần 2 nhưng mở rộng ra một chút - không chỉ xoay quanh router mà còn liên quan đến thiết bị, đến đường truyền và nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng Wi-Fi của chúng ta. Mời anh em xem qua.
Khi vào được khi lại không, hoặc vào được ở ngoài quán cà phê nhưng không vào được Wi-Fi trong nhà
Laptop, smartphone hay tablet đều có thể gặp vấn đề này. Triệu chứng thuộc về một trong hai cái sau:
- Có khi máy vào Wi-Fi được, ngon lành, nhưng có nhiều lúc chẳng thể truy cập
- Vào được Wi-Fi ở những nơi khác như quán cà phê, công ty nhưng về nhà thì không vào Wi-Fi nhà được
Cách xóa (quên, hay còn gọi là forget) mạng Wi-Fi:
- Android: vào Settings > Wi-Fi > chọn mạng > nhấn giữ > Forget
- iOS: vào Settings > Wi-Fi > nhấn vào chữ i ngay tên mạng > Forget this network
- Windows: Bấm biểu tượng mạng ở thanh đồng hồ > Network settings > Manage Wi-Fi settings > nhấn tên mạng > Forget
- macOS: > System preferences > Network > chọn Wi-Fi > Advanced > chọn tên mạng và nhấn dấu trừ
Nếu thử xóa mạng mà vẫn chưa được, bạn có thể thử tắt nguồn router, đợi chừng 10 giây rồi mở lên lại. Trước khi làm điều này, hãy thông báo với tất cả mọi người trong nhà bạn để tránh trường hợp làm đứt đường download của ai đó và bạn sẽ bị đánh Cũng đừng tắt mở nhanh quá dễ làm tổn hại tới tuổi thọ router, nhớ chờ 10 giây rồi hẵn làm, đừng nóng vội. Cách tắt nguồn này được mệnh danh là giải pháp thần thánh có thể chữa bách bệnh.
Quá nhiều thiết bị kết nối, router không đủ đáp ứng
Vấn đề này thường gặp nhất là ở những router do nhà mạng tặng kèm khi lắp đường truyền cho bạn. Các router đó thường không phải là loại đủ mạnh và có khả năng chịu tải cao mặc dù về lý thuyết thì chúng vẫn có thể đảm đương được. Mình đã từng bị và hiện tại cái router cà giật đó vẫn còn nằm trong nhà người thân mình.
Để giải thích kĩ hơn, bạn cần biết là mỗi router sẽ chỉ đáp ứng tốt nhất cho một số lượng X thiết bị nào đó kết nối vào cùng lúc. Lý do là vì đa phần router Wi-Fi hiện nay chỉ có thể gửi gói tín hiệu đến 1 thiết bị ở một thời điểm mà thôi, sau đó nó luân phiên chuyển tín hiệu tới những thiết bị còn lại. Việc chuyển đổi này nhanh tới mức bạn không thể thấy bằng mắt thường. Nhưng nhanh sao thì cũng có giới hạn, khi việc chuyển đổi diễn ra giữa quá nhiều thiết bị thì bạn sẽ thấy kết nối bắt đầu chậm đi, thậm chí máy báo vẫn có mạng nhưng không thể vào Internet được nữa.
Ở các router của nhà mạng tặng, số X này tương đối nhỏ. Mình đang dùng một cái Alcatel thì chỉ dùng tốt cho tầm 6-7 thiết bị thôi, mỗi khi nhà có đông người về chơi (tức số thiết bị tăng lên) thì cái chậm đó diễn ra rất rõ ràng. Đó là lý do vì sao mình phải mua một cái router xịn, ngon của riêng mình chơi cho sướng. Đã từng có lúc cái router đó cho 8 người kết nối cùng lúc mà chẳng gặp vấn đề gì.
Tóm lại: nếu nhà đông người, nhiều thiết bị, bạn nên mua router ngon hơn gắn vào thay cho router nhà mạng. Mua loại nào có hỗ trợ MU-MIMO là tốt nhất. Chi tiết xem thêm trong bài [Video] MIMO là gì? Vì sao nó giúp bạn vào Wi-Fi nhanh hơn, ổn định hơn? hoặc trong video bên dưới.
Stream video sang TV nhưng bị giật
Bình thường coi phim thì gắn dây HDMI xuất từ máy tính sang, nhưng gần đây chúng ta thường chơi bằng Wi-Fi cho khỏe, không cần rườm rà dây nhợ vì sự phổ biến của các chuẩn như Miracast, Chromecast Mirroring, Apple AirPlay hay các thiết bị không dây chuyên biệt. Ngặt cái là đôi lúc việc stream video từ PC sang TV hay bị giật, đứng, trong khi nếu chỉ chơi trên PC thì vẫn ngon. Vấn đề thường nằm ở đường truyền của bạn, và nếu loại bỏ hết các yếu tố thuần túy về vật cản, khoảng cách thì nguyên nhân còn lại là thiếu băng thông.
Băng thông giống như con đường nối giữa PC với TV của bạn (hoặc thiết bị không dây nào đó bạn gắn vào TV). Một con đường không đủ rộng sẽ khiến xe chạy trên đó khó khăn, mất nhiều thời gian hơn để đi tới đích so với một con đường rộng rãi. Wi-Fi cũng vậy, các chuẩn Wi-Fi cũ như b, g có băng thông ít hơn hay nói cách khác là con đường hẹp hơn, trong khi chuẩn mới như n hay ac thì có đường rộng. Video lại là thứ chiếm băng thông rất nhiều, vậy nên bạn sẽ cần nâng cấp router của mình lên loại mới hơn để có thể đáp ứng nhu cầu.
Hình minh họa
Tất nhiên, đây là trong điều kiện các thiết bị đầu cuối (PC, TV) cũng có hỗ trợ cùng chuẩn Wi-Fi mới. Ví dụ, router hỗ trợ đến 802.11ac mà TV và PC chỉ truyền / nhận được theo 802.11n thì bạn cũng chỉ dùng được hết công suất của chuẩn n thôi, chưa lên được ac đâu. Bởi vậy nên mới có từ "đầu tư đồng bộ". Nếu chưa đủ kinh phí, bạn có thể chọn stream phim độ phân giải thấp hơn hoặc gắn hẳn dây chơi cho tiết kiệm, sau này có hầu bao rộng rãi thì nâng cấp sau.
Một vài cách có thể giúp cải thiện:
- Di chuyển đến gần router mạng hơn, hạn chế để PC trong phòng và router / TV ở phòng khác
- Đổi phần mềm stream video
- Kiểm tra lại kết nối mạng trên thiết bị phát video đang gắn vào TV. Nhiều cái có hỗ trợ cổng Ethernet thì cắm dây cho ngon
Coi video trên mạng quá chậm, ít khi được coi HD
Ở trên nói về việc truyền phim trực tiếp từ máy tính sang TV, không đi ra Internet bên ngoài, còn mục này mình chia sẻ với anh em về việc xem phim trên các website / dịch vụ như YouTube, Netflix, Nhaccuatui, Zing MP3. Nhưng vấn đề cũng giống nhau: do băng thông không đủ lớn, không đủ nhanh nên video thường xuyên bị đứng, không load kịp hoặc bị giảm độ phân giải mặc định xuống mức dưới HD. Chỉ khác là băng thông này không còn là chuyện giữa router với PC / TV nữa, mà là băng thông nhà mạng cấp cho bạn.
Đa phần các gói cước mạng cáp quang hiện nay ở Việt Nam đã đạt tới mức 20Mbps hoặc 30Mbps, con số này đủ ngon để bạn có thể xem video Full-HD mà không bị đứng và giật. Giá cước cũng khá tốt, chỉ từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng tùy tốc độ. Nhưng vẫn có nhiều anh em còn xài hợp đồng cũ nên phải chịu tốc độ chậm, chỉ cỡ 10Mbps - 12Mbps nên việc stream video online sẽ khó khăn hơn. Anh em có thể vào trang SpeedTest.net để kiểm tra xem tốc độ của mình là cỡ bao nhiêu.
Nếu cảm thấy tốc độ quá chậm, hãy liên lạc với nhà mạng và hỏi xem bây giờ bạn muốn nâng cấp lên gói nhanh hơn, băng thông rộng hơn thì cần làm gì. Trước đây mình phải đợi hết hợp đồng cũ rồi mới được kí lại hợp đồng sử dụng gói cước nhanh hơn (nhưng vẫn trả tiền bằng nhau), không biết bây giờ nhà mạng có chính sách nào mới linh hoạt hơn hay không. Anh em nào có kinh nghiệm hãy tư vấn thêm.
Và thêm một mẹo nhỏ nhưng quan trọng: lâu lâu hãy hỏi nhà mạng xem có gói cước nâng cấp nào mới hay không. Hôm trước mình biết tới gói 24Mbps của Viettel nhờ hỏi bạn nhân viên đi thu tiền chứ không cũng chẳng biết, sau đó mình mới quyết định nâng cấp đường truyền cho xịn hơn trong khi chênh lệch giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi tháng thôi.
Phủ sóng quá kém
Vấn đề phủ sóng của router vẫn luôn là một thứ đau đầu với anh em nào có nhà hơi to một tí hoặc có nhà nhiều tầng. Thường người ta sẽ đặt router ở tầng giữa để các tầng trên và dưới đều có thể nhận sóng, nhưng không phải lúc nào cũng lý tưởng như vậy. Router không đủ mạnh và tầm phát sóng không rộng thì dù có chơi cỡ nào bạn vẫn gặp phải tình trạng rớt kết nối.
Giải pháp người ta thường xài những lúc này là dùng thêm cục extender hoặc repeater. Chúng sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận sóng Wi-Fi, khuếch đại ra rồi phát trở lại để bao phủ thêm khu vực mà router không với tới. Nhưng xin lỗi anh em, mình chỉ biết đây là giải pháp, còn cụ thể dùng như thế nào, mua loại nào, lắp ở đâu thì không rành vì chưa từng có kinh nghiệm. Anh em hãy góp ý cho mình thêm phần này trong comment rồi mình bổ sung vô thớt sau. Bạn Nam Air có một topic khá hay ở đây: Thử mở rộng mạng Wi-Fi ở nhà.
Internet chậm mùa đứt cáp, xử lý thế nào?
Đứt cáp là tình trạng thường thấy, và một trong những cách đối phó mà mình thấy hiệu quả đó là sử dụng VPN. Đứt cáp thường là tuyến cáp đi quốc tế sang Mỹ, trong khi nhiều server của các website thường dùng lại toàn ở Mỹ nên chúng ta mới bị chậm (ví dụ, xem YouTube bị chậm). Thế thì thay vì đi trực tiếp sang Mỹ, bạn có thể đi vòng qua Singapore, Hong Kong hoặc một quốc gia nào đó rồi từ đây mới truy cập vào server mong muốn. Vì đoạn cáp tới Singapore, Hong Kong ít khi bị đứt nên đường truyền từ máy tính của bạn lên VPN vẫn nhanh, và từ VPN đi Mỹ cũng vẫn nhanh. Tốc độ sẽ chậm hơn chút xíu so với bình thường, nhưng ít nhất bạn vẫn có mạng để xài để chơi. Nhìn bản đồ bên dưới là anh em hiểu ngay.
Mà VPN là gì? Bạn có thể tưởng tượng rằng với nhu cầu sử dụng mà chúng ta đang bàn trong bài này, VPN giống như một server trung gian đứng giữa bạn với server của YouTube. Kết nối sẽ không trực tiếp giữa bạn và YouTube nữa mà đi qua VPN để tránh đường cáp bị đứt. Ngay cả khi cáp không đứt, VPN còn có nhiều lợi ích giúp bạn truy cập vào các website chặn Việt Nam, xem được những nội dung độc quyền cho các quốc gia khác.
Để dùng VPN, mời anh em xem bài viết này: Cách tạo VPN tự xài 1 mình 1 server, giá chỉ 5$/tháng, free 2 tháng đầu, dùng web, game, Netflix.... hoặc [iOS, Android, Win, Mac][FREE] Cách sử dụng VPN để truy cập một số trang web, dịch vụ bị chậm
EmoticonEmoticon